Với đặc thù xã vùng cao, có bãi chăn thả rộng, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước dồi dào, phù hợp cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khai thác lợi thế trên, xã tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa nuôi nhốt. Đồng thời, hướng dẫn dân bản cách xây dựng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn vật nuôi, nhất là thời điểm giao mùa, dịch bệnh dễ phát sinh.
Vận động người dân tận dụng khu đất trống để quy hoạch các bãi chăn thả, tăng cường trồng thêm cỏ voi VA06 và các loại cây như: ngô, chuối để làm thức ăn cho vật nuôi. Ngoài tận dụng thức ăn tự nhiên, rơm rạ sau mỗi vụ mùa, bà con còn tìm hiểu thêm các loại thực phẩm ngoài thị trường để tăng cường thêm chất dinh dưỡng cũng như tăng sức đề kháng, thay đổi khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi.
Xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân; hướng dẫn bà con lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho bà con vay vốn để phát triển chăn nuôi, hiện tổng dư nợ đạt gần 27 tỷ đồng.
Người dân xã Vàng San (huyện Mường Tè) chăm sóc đàn gia súc.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Lù Văn Văn ở bản Vàng San - một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của xã Vàng San. Ông Văn cho biết: “Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào trồng trọt nên năng suất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm thông qua các lớp dạy nghề, hộ sản xuất giỏi và vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển chăn nuôi. Ban đầu do ít vốn và chưa có nhiều kinh nghiệm nên gia đình tôi chỉ chăn nuôi với số lượng ít, sau một thời gian, nhận thấy việc chăn nuôi mang lại hiệu quả cao nên đầu tư với quy mô ngày càng lớn. Ngoài ra, gia đình tôi thực hiện chuyển đổi diện tích đất đồi trước đây trồng ngô, sắn mang lại hiệu quả thấp sang trồng mía và vừng, với tổng diện tích gần 1ha, chủ yếu cung cấp cho người dân địa phương. Sau nhiều năm trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn, con cái được học hành và có việc làm ổn định”.
Hiện nay, gia đình ông Văn có hơn 50 con trâu, bò, mỗi năm được bán từ 5-6 con, với giá bán trên 20 triệu đồng/con. Ngoài ra, gia đình ông chăm sóc thêm hơn 10 con dê; duy trì nuôi 12 con lợn. Từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình ông Văn có thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Ông Lò A Chu - Chủ tịch UBND xã Vàng San cho biết: “Thời gian qua, xã vận động, khuyến khích người dân các bản đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong quá trình nuôi, xã thường xuyên cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống cơ sở vận động, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại bảo đảm ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Tuyên truyền các hộ chăn nuôi tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, tích cực trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa lũ hay khi thời tiết giá rét xảy ra kéo dài thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ để phòng, chống các loại dịch bệnh, tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò, dịch tả lợn châu phi; phun khử trùng tiêu độc cho đàn vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, xã tổ chức tiêm phòng 2.650 liều vắc-xin các loại; phun tiêu độc khử trùng, môi trường được 60 lít hóa chất.
Nhờ đó, đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, hiện xã có 6.490 con gia súc, tăng 210 con so với cùng kỳ năm 2022 và trên 14.000 con gia cầm các loại. Ngoài ra, người dân các bản còn tận dụng diện tích mặt nước sông, suối, quỹ đất của gia đình để quy hoạch hơn 11ha mặt nước nuôi nhiều loại cá, tôm, mang lại lợi nhuận cao.
Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung. Hỗ trợ người dân về vốn thông qua các chương trình dự án của Nhà nước, ngân hàng. Tăng cường hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đàn gia súc, gia cầm của người dân tăng cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Tác giả: Gió Pư