Theo chân các chiến sỹ biên phòng Đồn Biên phòng Pa Ủ, chúng tôi gặp ông Xè tại căn lán nghỉ bên bờ ruộng của gia đình ông. Ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận về ông đó là sự nhanh nhẹn, khỏe khoắn của một người đàn ông năm nay mặc dù đã 67 tuổi. Với nước da ngăm đen như pha đượm sương gió nắng mưa, ông thật may mắn khi trời phú cho sức khỏe để cống hiến và làm việc. Ngồi trò chuyện cùng ông và các chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ, tôi được biết từ năm 1970 ông là thầy giáo cấp 1 dạy học tại xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè). Sau 2 năm, ông xin chuyển công tác về giảng dạy tại xã Pa Ủ quê hương mình. Sau hơn 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục địa phương, từ năm 1995 - 2005 ông được Nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Pa Ủ. Chính vì thế, khi nhắc đến ông Xè không một người dân nào ở Pa Ủ không biết. Với cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ, các anh giành cho ông cái tên gọi kính trọng “Bố Xè” với những ghi nhận về cống hiến của ông trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”.
Được biết, Đồn Biên phòng Pa Ủ phụ trách 5 mốc từ mốc 37 đến mốc 41 với 28,186km đường biên. Mốc gần nhất 25km, mốc xa nhất 50km, chủ yếu phải đi bộ và leo núi. Ngay từ những năm còn đương nhiệm giữ chức chủ tịch UBND xã, ông là một trong những người tiêu biểu luôn song hành cùng các chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ trong những chuyến tuần tra đường biên, cột mốc. Mời chúng tôi uống nước, ông bồi hồi kể lại với chúng tôi: “Thời kỳ đó, còn chưa phân giới cắm mốc. Để nhận biết đường biên giới chỉ biết nhìn qua khe suối, khe đồi. Mốc biên giới lúc đó có khi chỉ được đánh dấu bằng cây gỗ rừng. Có những lần đi tuần mốc 37 - mốc xa nhất, tôi phải đi bộ cả đi và về gần 2 ngày đường. Sáng sớm đi bộ từ bản Xà Hồ đến bản Hà Xi rồi nghỉ trưa tại Hà Xi, sau đó trèo dốc mất 3 - 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi; đêm thì ngủ lại đó sáng hôm sau mời về…”.
Nhấp ngụm nước chè, ông chia sẻ tiếp: “Gắn bó với cột mốc biên giới hơn 20 năm, bây giờ tôi vui lắm khi chứng kiến cột mốc được chỉnh trang, tôn tạo to đẹp, đường lên mốc bây giờ cũng dễ đi hơn phần nào. Sau này sức khỏe tôi yếu không đi thăm mốc được nữa thì con cháu và bà con dân bản sẽ thay tôi đi tiếp để bảo vệ giữ vững đường biên, cột mốc. Thi thoảng, cán bộ chiến sỹ đến thăm và động viên tôi như thế này là cái chân tôi lại muốn đi lên thăm cột mốc rồi”.
Nghe những lời chia sẻ chân thành của ông tôi thật sự không biết phải dùng từ ngữ nào để nói lên cái tình yêu thiêng liêng cao đẹp mà ông giành cho quê hương, cho biên giới Tổ quốc mình. Không chỉ là người tự nguyện tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, ông Xè còn tích cực vận động con cháu, bà con trong bản cùng với các chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ bảo vệ đường biên, cột mốc. Ngoài ra, ông còn là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và vận động bà con tích cực xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc người La Hủ.
Thượng tá Lò Văn Hiêng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: “Trong bản không có mấy người được như ông Xè, ông chỉ bảo cho dân cái đúng, cái sai, cái gì nên làm và không nên làm. Cho nên ở Pa Ủ này ai cũng quý và kính trọng ông”.
Tác giả: BLC